MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CƠ BẢN CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 108/2018/NĐ-CP

Đăng bởi: admin, ngày 04/10/2018 17:23 PM

Ngày 23/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Bên cạnh một số quy định nhằm giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP cũng bổ sung nhiều quy định mang tính cải cách theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ. Bài viết dưới đây sẽ khái quát một số điểm mới cơ bản của Nghị định số 108/2018/NĐ-CP.

Nghị định số 108/2018/NĐ-CP có một số điểm mới như sau:

1. Đơn giản hóa hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp

Để tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong quá trình gia nhập, hoạt động trên thị trường, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP đã có một số quy định nhằm đơn giản hóa thành phần hồ sơ cũng như trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể như sau:

Một là, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ quy định về việc yêu cầu nộp Điều lệ của chủ sở hữu trong trường hợp đăng ký thành lập công ty TNHH một thành viên.

Theo quy định tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP thì một trong các giấy tờ doanh nghiệp phải có khi đăng ký thành lập công ty TNHH một thành viên là bản sao hợp lệ Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, Điều lệ hoặc tài liệu tương đương khác của chủ sở hữu công ty đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức. Để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP đã giảm bớt các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký thành lập công ty TNHH một thành viên. Theo đó, trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức thì hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp chỉ yêu cầu bản sao hợp lệ Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của chủ sở hữu công ty, không yêu cầu nộp Điều lệ của chủ sở hữu.

Hai là, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP cũng bãi bỏ quy định yêu cầu doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính trong trường hợp đăng ký giảm vốn điều lệ công ty.

Ba là, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP đã quy định rõ văn bản ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp không bắt buộc phải công chứng, chứng thực

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp thì người đại diện theo pháp luật có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Quá trình theo dõi và thực hiện công tác quản lý nhà nước về doanh nghiệp cho thấy có nhiều trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không trực tiếp thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp mà thường ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp sẽ bao gồm văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP cũng như các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không quy định cụ thể văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp có phải công chứng, chứng thực hay không. Điều này đã dẫn đến việc áp dụng không thống nhất trong quá trình thực hiện, gây khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh trong quá trình thực hiện.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho các Phòng Đăng ký kinh doanh thống nhất thực hiện, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP đã bổ sung quy định văn bản ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

2. Đơn giản hóa các quy định liên quan đến con dấu của doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp đã có những quy định cải cách đột phá trong việc quản lý và sử dụng con dấu của doanh nghiệp. Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp, con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật. Thực tiễn đã cho thấy việc cải cách các quy định về con dấu tại Luật Doanh nghiệp cũng như Nghị định số 78/2015/NĐ-CP là hoàn toàn phù hợp và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực hiện triệt để tinh thần của Luật Doanh nghiệp, tiến thêm một bước cải cách nữa trong việc quản lý và sử dụng con dấu, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP đã có một số thay đổi nổi bật như sau:

Một là, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP đã bổ sung quy định không bắt buộc doanh nghiệp phải đóng dấu trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, Nghị quyết, Quyết định, Biên bản họp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Quy định này một mặt sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp, đồng thời sẽ hạn chế dần vai trò của con dấu để con dấu không còn là công cụ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Với quy định này, lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp sẽ là một trong những lĩnh vực đầu tiên quy định không bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng con dấu.

Hai là, nhằm khuyến khích doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP đã tối giản hóa thủ tục thông báo mẫu dấu. Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần gửi thông báo mẫu dấu qua mạng điện tử để đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, không cần nộp hồ sơ bằng bản giấy đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Với thủ tục này, doanh nghiệp sẽ không mất thời gian chờ đợi và như vậy thời gian hoàn thành thủ tục hành chính chỉ trong một thời gian rất ngắn (dưới 1 giờ). Điều này dự kiến sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện Chỉ số khởi sự kinh doanh theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới.

3. Cải tiến quy trình đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử

Thực tiễn thi hành cho thấy một số quy định tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP chưa thực sự tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử. Để tiến thêm một bước nữa trong quá trình đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đăng ký doanh nghiệp và hướng đến mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử theo nhiệm vụ tại Nghị quyết 36ª/NQ-CP, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP đã cải tiến quy trình đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử theo hướng tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử.

4.  Cắt giảm thủ tục thông báo thay đổi thông tin cổ đông sáng lập công ty cổ phần

Theo quy định hiện nay thì công ty cổ phần phải thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh khi có bất kỳ sự thay đổi thông tin nào đã đăng ký của cổ đông sáng lập. Điều này vô hình chung đã tạo ra gánh nặng và chi phí tuân thủ không đáng có cho doanh nghiệp hoặc thậm chí là công cụ để một số cổ đông lợi dụng, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhằm hướng tới mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp trong hoạt động sau đăng ký thành lập, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP đã giới hạn các trường hợp phải thay đổi thông tin cổ đông sáng lập chỉ còn một trường hợp là cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua. Việc thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập công ty cổ phần trong các trường hợp khác sẽ được bãi bỏ.

5.  Nâng cao sự chủ động cho doanh nghiệp trong việc lập địa điểm kinh doanh

Theo quy định hiện nay thì doanh nghiệp chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh. Quy định này đã hạn chế quyền tự do tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp đồng thời tạo thêm chi phí cho doanh nghiệp khi phải thành lập chi nhánh để quản lý hoạt động của địa điểm kinh doanh. Để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và cắt giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và đảm bảo sự linh hoạt, chủ động của doanh nghiệp khi tham gia hoạt động trên thị trường, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP đã bỏ quy định doanh nghiệp chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh.

6. Sửa đổi quy trình đăng ký doanh nghiệp theo quyết định của Tòa án theo hướng thuận lợi hơn, minh bạch hơn cho doanh nghiệp

Trong thời gian vừa qua, có nhiều vướng mắc liên quan đến việc giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quyết định của Tòa án. Với quy định hiện nay thì sau khi nhận được bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, doanh nghiệp vẫn phải hoàn thiện hồ sơ bao gồm các giấy tờ như quyết định, biên bản họp... để thực hiện phán quyết đó. Nhằm đảm bảo quyết định của Tòa án được thực hiện một cách nghiêm minh, nhanh chóng và đúng pháp luật, Dự thảo Nghị định đã thiết kế theo hướng đơn giản hóa tối đa thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quyết định của Tòa án. Theo đó, chỉ cần bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án và đề nghị của người có thẩm quyền thì cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thực hiện giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

7. Bổ sung hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp

Thực hiện quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP, Dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Theo đó, hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh chỉ bao gồm bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế và các giấy tờ quy định tại Điều 21, Điều 22 và Điều 23 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp.

8. Bổ sung cơ chế phối hợp trong quá trình thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Theo quy định về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với một số trường hợp quy định tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải đến trụ sở của Phòng Đăng ký kinh doanh để giải trình trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận thông báo về hành vi vi phạm. Tuy nhiên, thực tế thi hành cho thấy nhiều doanh nghiệp khi nhận thông báo có đến Phòng Đăng ký kinh doanh để giải trình nhưng nội dung giải trình mang tính đối phó, thậm chí không tôn trọng cơ quan quản lý nhà nước, gây khó khăn, lúng túng cho Phòng Đăng ký kinh doanh trong việc thực hiện quy định và giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Do vậy, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP bổ sung quy định về việc Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không đến giải trình hoặc nội dung giải trình không được chấp thuận. Đồng thời, để đảm bảo tính khách quan, Phòng Đăng ký kinh doanh có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong việc xem xét nội dung giải trình của doanh nghiệp.

Nghị định số 108/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2018. Với những quy định mang tính cải cách, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, Nghị định số 108/2018/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta trong thời gian tới.

Hoàng Thanh Tuấn

Có thể bạn quan tâm

Hỗ trợ trực tuyến

Anh Út

0909 800 099 Điện thoại: 0909 800 099

info@dichvucongty.com Email: info@dichvucongty.com

van_ut2002.yahoo.com Skype: van_ut2002.yahoo.com

Video

Thống kê